Người tốt - Việc tốt

Dạy học theo kiểu: bước vào lớp cô mỉm cười!

Bước vào lớp mỉm cười!
Trong phong trào thi đua "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực" (THTT-HSTC) thì nội dung "Dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của học sinh ở mỗi địa phương giúp các em tự tin trong học tập" là 1 trong 5 tiêu chí chủ chốt.
vmc
Một tiết Sinh học theo hướng đổi mới phương pháp giảng dạy.

PGS.TS Nguyễn Công Khanh, chuyên gia của Dự án THCS 2 đã dẫn dắt gần 100 các thầy cô giáo trong buổi tập huấn về chia sẻ giờ học thân thiện gần đây bằng cách mở bài sinh động theo cách: "Bước vào lớp, cô mỉm cười, kể một câu chuyện vui, củng cố bài bằng cách cho các em thảo luận và đưa ra chi tiết hay nhất".
Ông Khanh nói rõ, bài giảng tốt nhất không phải là truyền đạt hết kiến thức hay bám sát giáo án mà là để lại sự hài lòng với tất cả học sinh kể từ giỏi đến yếu.
Mục đích của ông Khanh là muốn các thầy cô hiểu tâm lý lứa tuổi của học sinh. Ví dụ, việc ghi tên các em vào sổ đầu bài sẽ dẫn đến học sinh nghĩ ngay "phải mời bố mẹ". Từ đó, trong đầu học sinh luôn "nung nấu" cần phải đánh cắp cuốn sổ và đốt nó. Nhưng cuốn sổ lại được để trong phòng thầy hiệu trưởng, vậy thì "phải đốt phòng thầy hiệu trưởng", chỉ đơn giản là vì trong phòng thầy có cuốn sổ.
Chính việc học sinh nhận diện hậu quả hành vi theo logic một chiều mà giáo viên không hiểu tâm lý để giải thích và "răn đe" kịp thời sẽ dẫn đến việc làm sai trái, ông Khanh nói
Ông Khanh tiếp tục dẫn chứng, ngày nay, nhiều phụ huynh phàn nàn con cái hay nói dối. Thực ra điều đó có nguồn gốc từ việc kiểm soát thái quá của phụ huynh.Việc này tạo nên hiệu ứng ngược. Ví dụ, mỗi khi đón con đi học về cha mẹ thường hỏi con được mấy điểm. Khi con trả lời được 9, 10 thì cha mẹ tỏ thái độ hài lòng mà không hỏi lý do vì sao. Tuy nhiên, nếu con trả lời được 5, 6 điểm thì lập tức cha mẹ hỏi ngay vì sao. Điều đó đã thúc đẩy các em nói dối và lâu dần thành thói quen.

Mô tả ảnh.
Hãy tạo điều kiện cho HS được làm những việc mà mình yêu thích, cho HS được thể hiện và khẳng định mình để các em yêu thích từng ngày đến trường.

Không phải ngẫu nhiên mà trong các nội dung cơ bản của phong trào thi đua xây dựng THTT-HSTC, vấn đề đổi mới phương pháp dạy học lại được đặt ra như một yêu cầu sinh tử, quyết định sự thành bại của cả mô hình.  
Học mà chơi, chơi mà học
Trong 2 năm thực hiện phong trào xây dựng THTT-HSTC, Dự án phát triển giáo dục THCS 2 (Bộ GD-ĐT) - với vai trò là thư ký của Ban chỉ đạo phong trào cấp quốc gia - đã tích cực tổ chức các hội thảo, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm cho giáo viên và cán bộ quản lý với nội dung tiêu chí của phong trào.
Bà Trương Bích Thu, Phó Chủ tịch công đoàn ngành GD tỉnh Bạc Liêu đã thẳng thắn, phương pháp dạy học của thầy cô giáo sẽ tác động cụ thể đến từng học sinh. 
Cách làm của Bạc Liêu được bà Thu chia sẻ, một kế hoạch dạy học quan tâm đến cả việc bồi dưỡng học sinh giỏi lẫn phụ đạo, giúp đỡ các học sinh yếu kém, học sinh khuyết tật, đồng thời chú ý rèn luyện những kỹ năng sống thích ứng được với đời sống hiện đại chắc chắn sẽ nhận được sự cộng tác tích cực của học sinh và phụ huynh. Một cách uốn nắn nghiêm khắc nhưng thân thiện, một lời động viên kịp thời, một khoảnh khắc tâm tình với học trò, một lời khuyên nhẹ nhàng,... có khi lại nâng đỡ tinh thần rất nhiều cho những em học yếu, luôn mặc cảm tự ti hoặc đang bối rối trong một tình huống khó xử.
"Người giáo viên phải là một tấm gương về nhân cách, về tự học, về sáng tạo... trong đôi mắt "khát khao" của học trò", bà Thu nhấn mạnh.
Đặt vấn đề đổi mới phương pháp dạy học nhưng bà Thu cũng không quên nhấn mạnh đến yếu tố "mỗi ngày đến trường là một ngày vui". Nghĩa là phải xây dựng được một môi trường giáo dục có sức hút học sinh đến trường.
Bà Thu cho rằng, sức hút ấy nằm ở chính ngôi trường, từ cổng trường đến những lớp học, những vườn cây, những sân chơi, những hoạt động mà học sinh gắn bó trong toàn bộ thời gian đi học, và qua đó tự trang bị những tri thức văn hóa, những kỹ năng cần thiết để sống, và để biết cách ứng xử ở ngoài trường lớp.
"Tạo ra những sân chơi bổ ích, lí thú, chúng ta sẽ khơi dậy những khát vọng cao đẹp của tuổi trẻ học đường, những khát vọng ấy làm cho con người tử tế và trường học cũng thân thiện hơn", bà Thu chia sẻ.
Ngành giáo dục Hải Dương đã hướng dẫn học sinh thành lập nhóm bạn dựa trên sự lựa chọn tự nguyên của học sinh. Các em trong nhóm bạn chuyên cần có trách nhiệm giúp đỡ, thi đua nhau trong học tập, tổ chức ôn bài, trao đổi tài liệu, kèm cặp lẫn nhau. Từ đó, học sinh không những có nền nếp học tập mà còn củng cố đoàn kết, xây dựng tình bạn thân thiết giữa học sinh với nhau.
Ông Nguyễn Văn Quốc, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Dương cho biết, các nhà trường hướng dẫn học sinh lập kế hoạch cá nhân xuất phát từ mục tiêu tăng cường và rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh. Thông qua việc lập kế hoạch cá nhân nhằm hình thành cho học sinh sự định hướng cho bản thân, ý thức tự giác trong học tập, phát huy tính tích cực, chủ động ở học sinh trong quá trình tu dưỡng, học tập và thói quen làm việc theo khoa học, có kế hoạch.